Thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Thành ủy Đà Nẵng về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố và Quyết định số 4972/QĐ-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2020 của UBND thành phố về việc ban hành Danh mục Đề án, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 2683/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2021 của UBND thành phố về việc Điều chỉnh, bổ sung Danh mục Đề án, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai xây dựng dự thảo Đề án “Cơ cấu lại lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Ngày 02 tháng 12 năm 2022, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Trung và Tây nguyên (đơn vị tư vấn xây dựng Đề án) tổ chức buổi hội thảo báo cáo nội dung Đề án sau khi đã tiếp thu ý kiến của các sở ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan. Chủ trị hội nghị là ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với sự tham gia của các sở ban ngành, đơn vị, địa phương và các chuyên gia về lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Tại buổi hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đã có bài báo cáo về dự thảo đề án, trong đó nêu ra 05 quan điểm khi soạn thảo đề án
1. Hoạt động thủy lợi có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;
2. Hoạt động thủy lợi phải bảo đảm hài hòa với nguồn nước, chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối nước giữa các mùa, vùng, lưu vực sông;
3. Phát triển hệ thống công trình thủy lợi phải đảm bảo sự liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng của các ngành, lĩnh vực khác.
4. Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống bất lợi nhất; nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, sạt lở bờ sông, bờ biển; bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập, hồ chứa nước thủy lợi.
5. Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Khắc phục khẩn trương, kịp thời và hiệu quả sau thiên tai.
Cũng tại hội thảo, đại diện các đơn vị đã tham gia đóng góp ý kiến rất sôi nổi, Chủ trị hội nghị, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện Đề án, trình UBND thành phố phê duyệt./.