I. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH THỜI TIẾT VÀ SẢN XUẤT TRONG VỤ ĐÔNG XUÂN 2022-2023
1. Nhận định xu hướng thời tiết ảnh hưởng đến vụ Đông Xuân 2022-2023
Theo bản tin số 665/DBQG-DBKH về việc dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa dự báo (từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023) của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
a) Hiện tượng ENSO: Dự báo, từ tháng 12/2022 đến tháng 02/2023, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì với xác suất trong khoảng từ 65-75%.
Dự báo từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023, nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 có xu hướng tăng dần và ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất từ 50-60%.
b) Bão/ATNĐ: Từ nay đến tháng 02/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 01-03 cơn bão/ATNĐ và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng xảy ra bão và mưa lớn tại khu vực miền Trung trong cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2022. Không ngoại trừ khả năng tháng 01/2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.
Từ tháng 3-5/2023, bão/ATNĐ chưa có dấu hiệu xuất hiện trên khu vực Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất liền nước ta
c) Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước từ tháng 12/2022-01/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN;
Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc từ tháng 3-5/2023 phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
d) Lượng mưa: Tháng 12/2022, TLM tại Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, TLM cao hơn khoảng 150-250mm, có nơi cao 8 hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 01-02/2023, TLM tại Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, khu vực Trung và Nam Trung Bộ cao hơn từ 10- 40mm so với TBNN.
Tháng 3-4/2023, TLM có khả năng cao hơn từ 10-35mm so với TBNN.
Tháng 5/2023, TLM phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.
đ) Thủy văn và nguồn nước: Từ nửa cuối tháng 11 đến tháng 12/2022, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở Trung, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Tháng 01 và tháng 02/2023, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện 1-2 đợt dao động; mực nước trên các sông thấp dần. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 20-60%; riêng các sông ở Quảng Bình, từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 10-70%.
Từ tháng 3 đến tháng 5/2023, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm theo xu thế giảm dần. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 10-50%; riêng các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên cao hơn TBNN từ 15-65%.
2. Xu hướng sản xuất cây trồng trong vụ Đông Xuân 2022-2023
a) Cây lúa
- Thời vụ: Khung lịch thời vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 từ 15/12/2022 và kết thúc gieo sạ vào ngày 31/12/2022, gieo sạ tập trung trung từ 20 đến 31 tháng 12/2022, cụ thể như sau:
- Từ ngày 15-25/12: Sử dụng giống trung ngày.
- Từ ngày 25-31/12: Sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày.
- Riêng giống 13/2: Gieo sạ từ 10-15/12.
Trên cơ sở khung thời vụ chung và cơ cấu giống khuyến cáo, đề nghị các quận huyện tùy thuộc đặc điểm từng vùng để chỉ đạo lịch xuống giống và cơ cấu giống cho phù hợp.
- Cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2022-2023:
+ Giống chủ lực: Hà Phát 3, ĐT100, HT1;
+ Giống bổ sung: HN6, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, VNR20;
+ Giống Triển vọng: Hương Châu 6, Bắc Hương 9, JO2, Thơm Hương 31, ST25.
b) Cây ngô
Chủ yếu giống Ngô lai, tỉa từ tháng 12 đến đầu tháng 01.
c) Cây lạc
Gieo trồng từ tháng 12 đến đầu tháng 01.
d) Cây rau
- Các loại rau ăn lá chính như: rau cải các loại, dền, mồng tơi, rau muống, rau khoai, xà lách…
- Rau ăn quả như: bầu bí, dưa leo, khổ qua, đậu cove, đậu đũa, cà tím...
- Rau gia vị: hành, húng, quế, ngò …
Rau vụ Đông Xuân: Gieo trồng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
II. TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI HIỆN NAY
1. Trên cây lúa
Trên lúa chét, cỏ dại có một số đối tượng sinh vật gây hại chuyển vụ như: chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, sâu phao, bệnh khô vằn,...
2. Trên cây trồng khác
a) Trên rau ăn lá: sâu xanh, bệnh thối nhũn, bệnh đốm lá, bệnh gỉ trắng…
b) Trên rau ăn quả: bọ bầu vàng, dòi đục lá, bệnh thán thư, bệnh sương mai, bệnh lở cổ rễ, …
III. DỰ KIẾN MỘT SỐ LOẠI SINH VẬT GÂY HẠI CHÍNH TRÊN MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH TRONG VỤ ĐÔNG XUÂN 2022-2023
1. Cây lúa
Dựa trên cơ sở nhận định thời tiết, lịch thời vụ, cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2022-2023, kết hợp với tình hình sinh vật gây hại thường phát sinh trên lúa Hè Thu trong những năm gần đây và tình hình sinh vật hại chuyển vụ, dự kiến một số đối tượng sinh vật hại chính sẽ phát sinh trong vụ Đông Xuân 2022-2023 như sau:
a) Ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng thường xuất hiện và gây hại đầu vụ vào giai đoạn lúa mới gieo sạ đến giai đoạn mạ và thường gây hại mạnh trên những chân ruộng trũng. Vì vậy cần triển khai thu nhặt ốc bươu vàng và ổ trứng kết hợp trong đợt diệt chuột đầu vụ để hạn chế ốc phá hại lúa mới gieo sạ.
b) Chuột
Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm gây hại hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tập trung phá hại mạnh trong một số giai đoạn: Khi lúa mới gieo sạ, đẻ nhánh-làm đòng. Đặc biệt trong giai đoạn đứng cái-làm đòng nếu chuột gây hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất cây lúa.
Chuột thường phát sinh gây hại rải rác trên các trà lúa, cục bộ gây hại nặng ở những nơi không được tổ chức phòng trừ tốt ngay đầu vụ, vùng ven gò đồi, ven đường, gần khu dân cư, các ruộng gieo sạ lúa thơm ở trà sớm và gieo sạ không tập trung. Do vậy các địa phương cần tổ chức ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp để giảm thiểu mật độ chuột ngay từ đầu vụ, nhằm hạn chế tác hại do chuột gây ra và tiếp tục duy trì các biện pháp diệt chuột xuyên suốt vụ.
c) Bọ trĩ
Khả năng bọ trĩ sẽ phát sinh gây hại trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh, thường gây hại trên lúa gieo sạ muộn và trên những ruộng nước không ổn định. Chú ý các đợt gây hại chính sau:
- Đợt 1: từ 05/01 đến 30/01, gây hại trên lúa trà sớm và chính vụ giai đoạn mạ - đẻ nhánh.
- Đợt 2: từ 05/02 đến 25/02, gây hại chủ yếu trên lúa trà muộn giai đoạn đẻ nhánh và chính vụ giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái.
d) Sâu keo
Thường phát sinh gây hại mạnh trên cây lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, trong vụ Đông Xuân 2022-2023 dự kiến có các đợt phát sinh:
- Đợt 1: từ 05/01-05/02: gây hại trên lúa trà sớm và lúa chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.
- Đợt 2: từ 10/02-10/3: gây hại trên trà lúa chính vụ và trà muộn giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái
đ) Sâu phao
- Đợt 1: từ 05/01- 05/02: sâu non gây hại trên lúa Đông Xuân sớm và chính vụ.
- Đợt 2: từ 10/02- 10/3: sâu non gây hại chủ yếu trên lúa chính vụ và trà muộn.
e) Sâu cuốn lá nhỏ
Trong vụ Đông Xuân sâu cuốn lá nhỏ thường gây hại mạnh ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và đứng cái - đòng - trổ. Đáng chú ý nhất là các đợt sâu non gây hại lá đòng làm ảnh hưởng đến năng suất. Dự kiến có các đợt phát sinh thường xuất hiện trong khoảng thời gian sau:
- Đợt 1: từ 05/01 đến 05/02, gây hại rải rác trên lúa Đông Xuân trà sớm và trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.
- Đợt 2: từ 10/02 đến 10/3, sâu non có khả năng gây hại nặng, mật độ cao, cục bộ có thể gây trắng lá trên các trà lúa, chú ý trà lúa chính vụ giai đoạn làm đòng.
- Đợt 3: từ 15/3-10/4: gây hại rải rác trên lúa Đông Xuân trà muộn.
g) Sâu đục thân
Sâu đục thân gây hại rải rác trên các trà lúa, thường gây hại mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ; giai đoạn lúa làm đòng - trổ gây dảnh lúa bị héo hay bông bạc. Dự kiến có các đợt phát sinh như sau:
- Đợt 1: từ 20/01 đến 25/02: sâu non gây hại trên lúa Đông Xuân sớm và trà chính vụ, gây dảnh héo.
- Đợt 2: Từ 01/3 đến 05/4: gây hại chủ yếu ở lúa chính vụ và trà muộn, gây bông bạc.
h) Rầy nâu-rầy lưng trắng
Vào thời kỳ lúa đứng cái-làm đòng-trổ thời tiết ấm dần lên, cây lúa đã giao tán là điều kiện thuận lợi cho rầy nâu+rầy lưng trắng phát sinh gây hại mạnh. Bên cạnh đó, rầy nâu là môi giới truyền bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá lúa, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen vì vậy cần phải thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, kịp thời. Cần chú ý các đợt rầy chính thường xuất hiện trong khoảng thời gian sau:
- Đợt 1: từ ngày 20/01 đến ngày 20/02, gây hại rải rác trên lúa trà sớm giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái.
- Đợt 2: từ 20/02 đến 20/3, gây hại diện rộng, trên lúa trà chính vụ giai đoạn đứng cái - làm đòng, lúa trà sớm giai đoạn làm đòng - trổ; cục bộ có thể gây hại mật độ cao và gây hại nặng nặng ở những vùng thường nhiễm rầy.
- Đợt 3: từ 20/3 đến 20/4, gây hại trên lúa trà chính vụ và lúa trà muộn giai đoạn trổ - chín.
i) Bọ xít dài
Bọ xít dài thường tập trung gây hại lúa giai đoạn trổ - chín sữa làm cho hạt lửng hoặc lép, đặc biệt tập trung gây hại mạnh trên các giống lúa thơm, lúa bố trí thời vụ sớm, trổ không tập trung.
k) Bệnh đạo ôn
Bệnh thường phát sinh và gây hại mạnh trong vụ Đông Xuân do điều kiện thời tiết âm u, đêm và sáng sớm có sương mù là điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh gây hại. Bệnh gây hại các giai đoạn sinh trưởng phát triển cây lúa, đặc biệt giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng và giai đoạn trổ - chín bệnh phát sinh, phát triển mạnh gây hại cổ bông làm bông bạc ảnh hưởng lớn đến năng suất nếu không có biện pháp phòng trừ tốt. Trong những năm gần đây, bệnh phát sinh gây hại mạnh trên các trà lúa; nhất là các trà lúa gieo sạ dày, bón thừa đạm và trên các giống dễ nhiễm như: BC15, OM4900, Thiên ưu 8, 13/2…Chú ý các đợt bệnh gây hại chính sau:
- Đợt 1: từ 15/01 đến 15/02, gây hại lá trên lúa trà sớm và chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.
- Đợt 2: từ 15/02 đến 15/3, gây hại trên lúa trà sớm và chính vụ giai đoạn đứng cái - làm đòng.
- Đợt 3: từ 15/3 đến 15/4, bệnh gây hại cổ bông lúa giai đoạn đòng - trổ - chín. Nếu nhiễm bệnh sớm làm cho toàn bộ bông lúa bị lép trắng; nhiễm bệnh muộn (vào thời kỳ vào chắc-chín) gây ra hiện tượng bông lúa nhỏ, có nhiều hạt lép lửng, dễ gảy, gié lúa dễ rụng dẫn đến làm giảm năng suất lúa.
l) Bệnh khô vằn
Bệnh gây hại hầu hết trên tất cả các giống lúa, thường phát sinh từ cuối giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trổ - chín. Từ cuối tháng 2, thời tiết ấm dần lên, lúa phát triển tốt giao tán là điều kiện để bệnh phát sinh mạnh. Bệnh gây hại nặng trên các ruộng sạ dày, bón phân không cân đối. Cần chú ý các đợt sau:
- Đợt 1: từ 10/02 đến 10/3, gây hại trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng.
- Đợt 2: từ 10/3 đến 15/4, gây hại diện rộng trên lúa Đông Xuân giai đoạn đòng - trổ - chín.
m) Bệnh lem lép hạt
Bệnh xuất hiện từ giai đoạn lúa trổ bông đến chín sữa và rơi vào những tháng có nhiệt độ thấp và mưa nhiều, hầu hết các giống đều bị bệnh với mức độ khác nhau. Ngoài ra, những chân ruộng bị bệnh đốm nâu nếu không chăm sóc xử lý sẽ tạo điều kiện cho bệnh lem lép hạt phát sinh gây hại ảnh hưởng đến năng suất lúa.
n) Ngộ độc hữu cơ
Hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ thường xuất hiện ở các ruộng lúa không làm đất kỹ (chỉ lồng đất rồi gieo sạ ngay), ruộng còn nhiều tàn dư thực vật và không bón vôi nên chất hữu cơ không được phân huỷ kịp thời hoặc các ruộng bị ảnh hưởng trực tiếp do chất thải từ các chuồng trại chăn nuôi tập trung chưa qua xử lý.
o) Bệnh đốm nâu - nghẹt rễ
Bệnh đốm nâu - nghẹt rễ phát sinh từ giai đoạn đẻ nhánh và hại nặng về cuối vụ trên các ruộng vùi nhiều gốc rạ, cỏ dại; ở ruộng lúa có chế độ bón lót không đầy đủ; nhất là ở những chân ruộng không bón vôi, lân; đất chua phèn.
p) Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen
Đây là những bệnh nguy hiểm do virus gây ra mà môi giới truyền bệnh là rầy nâu và rầy lưng trắng. Tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đều có thể bị nhiễm bệnh. Vì vậy ngay từ đầu vụ cần điều tra theo dõi tình hình phát sinh phát triển của rầy và diễn biến của bệnh trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời không để bệnh lây lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
q) Sâu bệnh hại khác
Ngoài các đối tượng dịch hại chính trên, trong vụ Đông Xuân 2022-2023 cần chú ý một số đối tượng sinh vật hại phát sinh gây hại như: ruồi đục nõn, sâu năn, rầy xanh đuôi đen, bệnh thối thân… gây hại rải rác.
2. Trên các cây trồng khác
a) Cây ngô
Trong vụ Đông Xuân trên cây ngô dự kiến có các sinh vật hại chính sau:
- Sâu xám, sâu khoang: gây hại chủ yếu trên cây ngô ở giai đoạn cây con.
- Sâu cắn lá, sâu đục thân: gây hại giai đoạn phát triển thân lá.
- Sâu keo mùa thu: gây hại ở tất cả các giai đoạn, trong đó gây hại mạnh giai đoạn cây con đến loa kèn.
- Sâu đục bắp gây hại mạnh giai đoạn hình thành bắp - chín.
- Bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, rệp thường phát sinh gây hại ngô giai đoạn trổ cờ - phun râu - chín.
- Chuột gây hại hầu hết các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây ngô.
- Bệnh lùn sọc đen có khả năng phát sinh gây hại trên cây ngô ở các giai đoạn sinh trưởng.
b) Trên cây lạc
- Sâu xám, sâu xanh, sâu cuốn lá, sâu khoang, rầy, rệp … hại giai đoạn cây con, phân cành, ra hoa.
- Bệnh lở cổ rễ thường xuất hiện gây hại giai đoạn cây con.
- Bệnh héo rũ xuất hiện và gây hại mạnh giai đoạn phân cành, ra hoa.
- Bệnh đốm lá, gỉ sắt: thường xuất hiện gây hại mạnh giai đoạn đâm tia - hình thành quả.
- Cây rau, đậu các loại
Trên cây rau, đậu vụ Đông Xuân thường có các sinh vật gây hại chính sau:
- Rau ăn lá:
+ Bệnh chết cây con, bệnh lở cổ rễ: gây hại chủ yếu giai đoạn cây con…
+ Bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rầy, rệp gây hại mạnh thời kỳ phát triển thân lá.
+ Bệnh thối nhũn, bệnh thán thư, bệnh đốm lá, bệnh gỉ trắng: phát sinh gây hại giai đoạn phát triển thân lá.
- Rau ăn quả:
+ Sâu xám, sâu xanh, bệnh lở cổ rễ gây hại giai đoạn cây con.
+ Dòi đục lá, rầy, rệp: gây hại các giai đoạn từ phát triển thân lá đến thu hoạch; gây hại mạnh trên cây rau họ đậu, họ bầu bí.
+ Bọ bầu vàng: gây hại các giai đoạn từ phát triển thân lá đến thu hoạch; gây hại chủ yếu trên cây họ bầu bí.
+ Giai đoạn ra hoa - quả chú ý có các sinh vật hại: bệnh do virus, ruồi đục quả, sâu đục quả, bệnh đốm lá, bệnh sương mai, bệnh thánh thư, bệnh chạy dây.
d) Đậu đỗ các loại
- Giai đoạn cây con cần chú ý các sinh vật hại như bệnh lở cổ rễ, bệnh chết cây con, sâu xám.
- Giai đoạn ra hoa - quả cần chú ý các sinh vật hại: sâu đục quả, rầy rệp, bệnh rỉ sắt...
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHỈ ĐẠO
Để bảo vệ sản xuất Đông Xuân 2022-2023, Chi cục Nông nghiệp Đà Nẵng đề nghị:
1. Các địa phương cần quan tâm vận động, hướng dẫn nông dân tiến hành cày lật đất sớm để vùi lấp các tàn dư thực vật nhằm cắt cầu nối các đối tượng sinh vật hại có thể lây lan phát sinh ảnh hưởng sản xuất. Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ; bón vôi trước khi bừa lần cuối để cải tạo đất và giúp cho chất hữu cơ trên đồng ruộng phân huỷ nhanh, tránh được ngộ độc hữu cơ tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển. Chuẩn bị tốt các khâu về giống, làm đất, phân bón lót hữu cơ... cho sản xuất Đông Xuân 2022-2023.
2. Các địa phương triển khai vận động nông dân ra quân diệt chuột trước khi vào vụ sản xuất Đông Xuân 2022-2023 kết hợp thu nhặt ốc bươu vàng và vận động nông dân duy trì diệt chuột suốt cả vụ để bảo vệ kết quả sản xuất.
3. Cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống, sản xuất giống lúa trung ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian, thu hoạch sớm để kịp triển khai vụ Hè Thu. Riêng những vùng được địa phương quy hoạch sản xuất giống 13/2 để phục vụ cho sản xuất nguyên liệu, chỉ được sản xuất tập trung không quá 5% diện tích, không được sản xuất xen lẫn trên cùng cánh đồng với giống trung ngắn ngày và tuân thủ nghiêm ngặt theo lịch thời vụ). Khuyến cáo nông dân sử dụng giống kỹ thuật để đảm bảo chất lượng giống, mật độ gieo sạ vừa phải 4-5kg/sào (80-100kg/ha), bón phân theo đúng quy trình sản xuất và khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ.
4. Cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng ngay từ đầu vụ, thường xuyên thực hiện công tác điều tra phát hiện kết hợp theo dõi côn trùng vào đèn để dự báo chính xác tình hình sinh vật hại để phối hợp với các địa phương chỉ đạo hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
5. Vận động nông dân ứng dụng các chương trình ICM, IPM, sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ, sản xuất rau an toàn…hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
6. Phòng Thanh tra Pháp chế Chi cục phối hợp các phòng chuyên môn và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các loại vật tư nông nghiệp thiết yếu phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023.
Trên đây là dự báo một số đối tượng sinh vật hại chính có khả năng xuất hiện gây hại các loại cây trồng trong vụ Đông Xuân năm 2022-2023. Trong từng đợt phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại, Chi cục sẽ có thông báo tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng trừ kịp thời. Các địa phương cần quan tâm, chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại để bảo vệ an toàn cho sản xuất./.