Chăn nuôi nông hộ là một hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, diễn ra tại hộ gia đình nông dân, có quy mô chăn nuôi nhỏ, dưới mức quy mô chăn nuôi ở trang trại, chủ yếu do những người lao động trong hộ gia đình thực hiện
Chăn nuôi theo hình thức nông hộ tạo không chỉ góp phần tạo ra sản lượng thực phẩm lớn cho xã hội mà còn góp phần công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững ở nông thôn.
Ngoài ra, chăn nuôi nông hộ còn tận dụng được nguồn đất đai bạc màu, công lao động nhàn rỗi và vốn tự có của hộ nông dân.
Do đó, bên cạnh các hình thức như: chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp,… thì chăn nuôi nông hộ vẫn có vai trò quan trọng.
Sự cần thiết của hạnh toán kinh tế trong chăn nuôi quy mô nông hộ
Khi nói đến chăn nuôi nông hộ người ta sẽ nghĩ ngay đến chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, lấy công làm lời,…
Nếu chúng ta đặt câu hỏi: Có bao nhiêu nông hộ chăn nuôi đã và đang thực hiện công việc tính toán chi, thu, lợi nhuận trước khi bắt tay vào quá trình chăn nuôi và sau khi kết thúc?
Câu trả lời là: Rất ít, bởi đa số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn còn giữ quan niệm đại loại: Là nông dân thì việc chăn nuôi vài chục con gà hoặc 3-4 con heo trong chuồng thì có mục tiêu rất “khiêm tốn” là “lấy công làm lời” “tận dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương”. Hơn nữa, các hộ chăn nuôi nông hộ cho rằng vốn đầu tư cho quá trình chăn nuôi của hộ là “tiền túi” của chính mình, công chủ yếu là “công nhà” thì có cần gì phải tính toán chi li!
Qua các dịp trao đổi với nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ về lời, lỗ thế nào sau mỗi đợt nuôi gà, nuôi heo thì hầu hết chúng tôi nhận được các câu trả lời đều rất chung chung đại loại là vì không ghi chép đầy đủ các con số chi, thu và trong quá trình đầu tư nuôi đã sử dụng những nguyên liệu làm thức ăn sẵn có tại gia đình nên không thể tính được con số lời, lỗ cụ thể; trong khi đó, không ít trường hợp người chăn nuôi cho là có lời nhưng khi tính kỹ các khoản đã đầu tư thì hoá ra lại là lỗ!
Vậy hộ chăn nuôi quy mô nhỏ có thực sự cần và có nên thực hiện công việc hạch toán kinh tế không?
Câu trả lời là: Rất cần, bởi nông hộ rất cần thay đổi cách nhìn để thấy rằng dù chăn nuôi quy mô lớn hay nhỏ cỡ nào đi chăng nữa thì vẫn được coi có tính chất là đơn vị sản xuất kinh doanh thực thụ, mà đã là đơn vị sản xuất kinh doanh nhưng không hạch toán kinh tế thì vô tình các hộ chăn nuôi tự làm cho mình thất thế trong quan hệ đối tác với các doanh nghiệp mua bán con giống, thức ăn, thuốc thú y, thiết bị, dụng cụ, thu mua sản phẩm,… Trong mọi hoạt động thì việc tính toán hiệu quả kinh tế là yếu tố tiên quyết, do đó nếu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không tính được hiệu quả kinh tế thì sẽ bất lợi về mình.
Làm thế nào để hạnh toán kinh tế trong chăn nuôi quy mô nông hộ?
Hạch toán kinh tế trong chăn nuôi có thể hiểu đơn giản là sự tính toán của người nuôi các khoản chi phí bỏ ra sao cho hợp lý và các khoản có thể thu lại sau quá trình nuôi. Đây là công việc quan trọng giúp người chăn nuôi biết được lợi nhuận trong việc đầu tư chăn nuôi của mình từ đó quyết định đầu tư, hay không đầu tư, mở rộng hay thu hẹp quy mô chăn nuôi các loại vật nuôi.
Yêu cầu hạch toán kinh tế đối với hộ chăn nuôi cần thực hiện hai lần: Lần một gọi là dự toán vào lúc khởi đầu kế hoạch sản xuất cho một đợt hay một giai đoạn nuôi gia súc, gia cầm nào đó và lần hai gọi là kết toán khi bán toàn bộ sản phẩm.
Dự toán có thể hiểu là sự ước định các khoản chi cần thiết và các khoản thu từ sản phẩm bán ra sau này. Khi xây dựng dự toán, hộ chăn nuôi sẽ thấy rõ khoản đầu tư nào chiếm chi phí lớn để tập trung tính toán ở khoản này mà thông thường trong hoạt động chăn nuôi thì thức ăn và con giống là các khoản chi phí cao, ảnh hưởng lớn đến tổng chi phí và giá thành nên rất cần cân nhắc kỹ khi chọn lựa. Bên cạnh đó, dự toán cũng giúp cho hộ chăn nuôi thấy trước nhu cầu tài chính lúc nào cần ít, lúc nào cần nhiều trong quá trình sản xuất để có sự chuẩn bị chủ động.
Kết toán cũng làm bài tính tương tự như dự toán, điểm khác là các con số chi, thu, lợi nhuận bây giờ là các con số thực tế lúc bán sản phẩm. Khi kết toán, người chăn nuôi không chỉ thấy được rõ ràng, cụ thể kết quả sản xuất của mình có lời và lời bao nhiêu hoặc lỗ và lỗ bao nhiêu hay hòa vốn. Việc kết toán còn giúp hộ chăn nuôi nhận định được các nguyên nhân, tác động nào đã dẫn đến kết quả sản xuất.
Công việc tự hạch toán kinh tế đối với các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ có thể bước đầu sẽ gặp không ít khó khăn bởi phần đông chưa quen công việc ghi và tính toán số liệu sản xuất. Tuy nhiên, nếu đã xác định công việc dự toán, kết toán là cần thiết thì chúng ta cần mạnh dạn tìm hiểu và áp dụng, chỉ cần qua đôi ba lần thực hành sẽ thực hiện được suôn sẻ.
Hơn nữa, đối với đặc điểm chăn nuôi quy mô nông hộ thì việc hạch toán kinh tế chỉ cần ở mức tương đối là đủ để nhận định được cụ thể hiệu quả của công việc quản lý, ứng dụng kỹ thuật thể hiện qua con số thu nhập.
Việc thực hiện hạch toán kinh tế một khi đã trở thành công việc thường xuyên sẽ giúp nâng cao năng lực của hộ chăn nuôi trong việc quản lý sản xuất thích ứng năng động theo tình hình diễn biến của thị trường, là yếu tố đảm bảo an toàn tài chính và hiệu quả kinh tế lâu dài./.