Quy định về quản lý chó nuôi và xử lý tình trạng chó thả rông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng: 04/10/2021

Việc nuôi chó thả rông, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, để chó phóng uế ra môi trường, đặc biệt ở các khu vực công cộng, đông dân cư sẽ làm mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Việc nuôi chó không thực hiện xích, nhốt, rọ mõm gây ra tình trạng chó cắn người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, khiến người dân lo lắng và bức xúc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn thành phố đảm bảo phòng, chống bệnh Dại, đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố là rất cần thiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, trong đó có hướng dẫn phòng, chống bệnh Dại động vật. UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 02/10/2017 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Và để tiếp tục tăng cường công tác này, ngày 19/7/2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 4469/UBND-SNN về việc quản lý chó nuôi và xử lý tình trạng chó thả rông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cụ thể quy định các nội dung như sau:

1. Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi)

a) Phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;

b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;

c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;

d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;

đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

2. UBND xã, phường

a) Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn. Hằng năm trước đợt tiêm phòng, rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;

b) Căn cứ tình hình thực tế, thành lập các tổ/đội bắt giữ chó thả rông nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý hoặc thành lập tổ/đội liên phường, xã để tổ chức thực hiện.

Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận;

Áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;

3. Về việc tiêm phòng vắc-xin cho chó, mèo

a) Hàng năm có 01 đợt tập trung tiêm phòng vào tháng 3 - 4. Ngoài ra, thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian miễn dịch.

b) UBND xã, phường phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn.

c) Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn cụ thể việc tiêm phòng vắc-xin Dại, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại cho chủ vật nuôi có chó, mèo được tiêm phòng vắc xin Dại./.

Tin cùng chuyên mục

Lượt truy cập: 894,582 Hôm qua: 1,331 - Hôm nay: 465 Tuần này: 10,919 - Tuần trước: 465 Tháng này: 74,596 - Tháng trước: 85,002 Online: 115
Chung nhan Tin Nhiem Mang