Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã hình thành và sản xuất tương đối ổn định. Tuy nhiên sản xuất rau trong điều kiện tự nhiên không thể không có các đối tượng sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất và chất lượng rau, do đó việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ là không thể tránh khỏi. Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã khuyến cáo nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, các loại thuốc nhóm an toàn, ít độc hại,… trong danh mục cho phép nhằm góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, giảm ô nhiễm môi trường, cũng như bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân.
Năm 2021, Chi cục đã có triển khai xây dựng bảng danh mục thuốc được phép sử dụng trên cây rau treo tại 8 vùng sản xuất rau: Vùng rau La Hường- Cẩm Lệ; Vùng rau Túy Loan Tây-Hòa Phong; Vùng rau Cẩm Nê-Hòa Tiến; Vùng rau Yến Nê-Hòa Tiến; Vùng rau Phú Sơn Nam-Hòa Khương;Vùng rau Phú Sơn 2,3-Hòa Khương; Vùng rau 19/8 Hòa Khương; Vùng rau Thạch Nham Tây – Hòa Nhơn. Điểm mới của đợt treo bảng này là bên cạnh bảng hướng dẫn danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng (theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 9 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Thông tư Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam); kèm theo bảng hình ảnh sâu hại và triệu chứng bệnh hại phổ biến trên cây rau, giúp nông dân xác định được các đối tượng sâu bệnh hại thông qua đối chiếu hình ảnh sâu hại và triệu chứng bệnh hại. Từ đó tra các loại thuốc bảo vệ thực vật tương ứng để phòng trừ sâu bệnh hại một cách hiệu quả, sử dụng đúng thuốc và đúng đối tượng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu việc sử dụng thuốc không hiệu quả ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, môi trường và sức khỏe con người./.
