Hiện nay, các địa phương đang triển khai thu hoạch cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023. Để chỉ đạo triển khai sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu năm 2023 đạt kết quả tốt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND các quận huyện, các đơn vị liên quan triển khai một số nội dung sau:
1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các địa phương
a) Đối với cây lúa
- Khẩn trương thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 đã chín, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó để chuẩn bị kịp thời cho sản xuất Hè Thu 2023 (làm đất kết hợp bón vôi để cải tạo đất và giúp cho chất hữu cơ trên đồng ruộng nhanh phân hủy hạn chế lúa Hè Thu bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ, đốm nâu vì nếu làm đất xong gieo sạ ngay thì gốc rạ, cỏ dại không phân hủy kịp sẽ phát sinh các bệnh này ngay từ đầu vụ). Vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ nhằm cắt đứt nguồn bệnh từ vụ Đông Xuân sang Hè Thu.
- Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch và chuẩn bị triển khai sản xuất cây trồng vụ Hè Thu 2023.
+ Căn cứ khung lịch thời vụ và cơ cấu giống chung của thành phố Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành (Thông báo số 4021/TB-SNN ngày 07/10/2022 về Định hướng cơ cấu giống lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 và vụ Hè Thu 2023 và Thông báo số 4473/TB-SNN ngày 04/11/2022 về Định hướng khung thời vụ gieo sạ lúa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng), Phòng Nông nghiệp và Kinh tế các quận huyện tham mưu cho UBND các quận huyện xây dựng cơ cấu giống phù hợp, bố trí lịch thời vụ cụ thể cho từng vừng để chỉ đạo sản xuất cho địa phương mình.
+ Lịch thời vụ xuống giống nhanh gọn, tập trung, linh hoạt theo từng vùng, từng cánh đồng để thuận lợi cho việc điều tiết nước làm đất, tưới nước tiết kiệm.
+ Tập trung sử dụng giống xác nhận, giống trung ngày, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá để sản xuất.
- Triển khai kế hoạch diệt chuột đầu vụ và tuyên truyền vận động nông dân duy trì diệt chuột suốt vụ để bảo vệ sản xuất.
- Một số khâu kỹ thuật khác cần quan tâm:
+ Vận động và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ sinh thái bền vững, chế biến phân hữu cơ từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp để giảm bớt chi phí mua phân bón. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ để bón cho cây nhằm góp phần cải thiện chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả của sản xuất, bảo vệ nguồn tài nguyên đất nông nghiệp.
+ Hướng dẫn, vận động nông dân ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn và hiệu quả.
+ Chú trọng các giải pháp sạ thưa, sạ hàng nhằm giảm lượng giống gieo sạ trên đơn vị diện tích, cây lúa khỏe, ít nhiễm sâu bệnh hơn…
+ Đối với vùng không đảm bảo nguồn nước tưới cần có phương án chuyển đổi cây trồng hợp lý để giảm thiểu sử dụng nguồn nước.
+ Các địa phương thực hiện khoanh vùng diện tích chủ động nước tưới bố trí gieo sạ tập trung, đồng loạt từng khu, từng vùng theo lịch thời vụ quy định nhằm điều tiết, quản lý nước hợp lý, tiết kiệm.
+ Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại, đặc biệt chú ý đối tượng chuột ở đầu vụ và phải tăng cường các biện pháp diệt chuột xuyên suốt cả vụ.
+ Không được dùng bao ni lông, vải màn, chai lọ, áo mưa…treo, cắm trên đồng ruộng làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cảnh quang sinh thái.
b) Đối với cây màu chủ lực như ngô, mè, rau đậu các loại
- Biện pháp canh tác cây rau màu tùy thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý, có hiệu quả cao.
- Trên đất chuyên màu: thiết kế hệ thống tưới hợp lý và bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ.
- Trên đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu: chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, không để úng cục bộ; lên liếp trồng thông thoáng.
- Thời vụ: Tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng vùng sinh thái khuyến cáo thời vụ xuống giống phù hợp cho từng loại cây trồng;
- Cơ cấu giống: Trên cơ sở điều kiện đất đai của mỗi địa phương, định hướng tiêu thụ theo nhu cầu thị trường, chọn giống phù hợp và hướng dẫn quy trình thâm canh để tăng năng suất, sản phẩm đạt chất lượng cao dễ tiêu thụ với giá bán cao.
- Theo dõi sinh vật hại trên cây rau màu, đặc biệt chú ý theo dõi và phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu trên cây ngô.
c) Đối với cây ăn quả
- Đẩy mạnh giải pháp giảm chi phí sản xuất, sử dụng phân bón NPK hợp lý, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường bón phân hữu cơ.
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn, có chứng nhận để nâng cao hiệu quả sản xuất.
2. Giao Chi cục Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến Ngư Nông Lâm, Phòng Nông nghiệp và Kinh tế các quận, huyện
a) Phối hợp với các địa phương, đôn đốc nông dân thu hoạch nhanh cây trồng vụ Đông Xuân 2022-2023 để kịp triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2023 theo đúng lịch thời và cơ cấu giống vụ đã ban hành.
b) Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo các đối tượng dịch hại trên cây trồng, thông tin dự tính, dự báo cần được cập nhật thường xuyên và có hướng dẫn kịp thời gửi các địa phương, người sản xuất để phòng trừ sinh vật hại.
c) Khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (theo IPM), hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn và hiệu quả trên các loại cây trồng để đảm bảo năng suất. Vận động và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ sinh thái bền vững. Khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp.
d) Thanh tra Chi cục Nông nghiệp tăng cường công tác quản lý, thanh tra kiểm tra giám sát vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, nâng giá, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Tăng cường công tác kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tại các vùng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Giao Chi cục Thủy lợi chủ trì, tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi
Kiểm tra kế hoạch tưới, đảm bảo cung cấp nguồn nước đảm bảo theo yêu cầu ở các giai đoạn sinh trưởng cây trồng, không để xảy ra khô hạn tạo điều kiện cho sinh vật hại phát sinh gây hại.
Đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện, nếu có khó văn vướng mắc cần báo cáo kịp thời để xin ý kiến UBND thành phố cho ý kiến chỉ đạo./.