I. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH THỜI TIẾT VÀ SẢN XUẤT TRONG VỤ HÈ THU 2023
1. Nhận định xu hướng thời tiết ảnh hưởng đến vụ Hè Thu 2023
Theo bản tin dự báo thời tiết thủy văn thời hạn mùa thành phố Đà Nẵng của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.
- Nhiệt độ:
Xu thế chung nền nhiệt độ trên toàn địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm là ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Cụ thể: Các tháng 5-9 phổ biến xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 0,5-1,5oC, các tháng 10-12/2023 phổ biến ở ngưỡng xấp xỉ TBNN với chuẩn sai từ (-0,5)-0,5 oC. Nhiệt độ cao nhất đạt khoảng 37-39 oC (xảy ra trong tháng 6-8/2023); nhiệt độ thấp nhất 17-19oC (xảy ra trong tháng 12/2023).
- Lượng mưa:
+ Lượng mưa trong các tháng mùa khô 2023 phổ biến xấp xỉ TBNN trong các tháng 5-7/2023, lượng mưa ở ngưỡng xấp xỉ và thấp hơn TBBNN và đạt khoảng 70-100%TBNN.
+ Tháng 8, 9/2023: Lượng mưa các nơi xấp xỉ và thấp hơn TBNN, đạt 70-100%.
- Thủy văn:
+ Từ giữa tháng 5 đến hết tháng 8/2023, dòng chảy trên các sông thuộc thành phố Đà Nẵng chủ yếu biến đổi chậm. Mực nước trung bình trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ ở mức xấp xỉ, cao hơn so với TBNN cùng kỳ. Lưu lượng dòng chảy trung bình trên sông Vu Gia tại Thành Mỹ thiếu hụt khoảng 30-50%, tại Ái Nghĩa ở mức xấp xỉ TBNN.
+ Từ nay đến hết tháng 8/2023, độ mặn trung bình vùng hạ lưu các sông thành phố Đà Nẵng khả năng ở thấp hơn so với TBNN; riêng Sông Hàn tại cầu Nguyễn Văn Trỗi, sông Vĩnh Điện tại Cổ Mân có khả năng ở mức cao hơn. Độ mặn lớn nhất trên các sông khả năng xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 8. So với độ mặn lớn nhất quan trắc từ 2005-2022, độ mặn lớn nhất vùng hạ lưu các sông khả năng ở mức thấp hơn.
Với tình hình thời tiết, thủy văn các tháng trong vụ Đông Xuân 2022-2023 và dòng chảy tại các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia hiện nay về hạ lưu ổn định, thuận lợi cho các trạm bơm tưới hoạt động cấp nước đảm bảo trong vụ Đông xuân 2022-2023. Trong vụ Hè Thu 2023, theo dự báo dự kiến lượng nước đến các hồ chứa giảm, dòng chảy về hạ lưu giảm, thiếu nước trên các sông, khả năng nhiễm mặn và gây khó khăn cho hoạt động của các trạm bơm tưới hạ lưu đập dâng An Trạch và các trạm bơm tại phường Hòa Quý. Một số hồ chứa nhỏ bị thiếu nước ở cuối vụ nếu không có mưa bổ sung.
2. Xu hướng sản xuất cây trồng trong vụ Hè Thu 2023
a) Cây lúa
- Thời vụ: Trong vụ Hè Thu, cần bố trí thời vụ đảm bảo thu hoạch gọn trước 05/9 để tránh mưa lũ vào cuối vụ, đồng thời để đảm bảo năng suất, sản lượng lúa. Vì vậy khung lịch thời vụ lúa Hè Thu từ 15/5 và kết thúc gieo sạ vào ngày 31/5, cụ thể như sau:
+ Từ ngày 15-25/5: Sử dụng giống trung ngày.
+ Từ ngày 25-31/5: Sử dụng giống ngắn ngày.
+ Riêng giống 13/2: Gieo sạ từ 10-15/5.
Đối với các diện tích được Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cấp nước, đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn (phần diện tích tại Hòa Quý), UBND huyện Hòa Vang (các diện tích tại các xã Hòa Phước, Hòa Tiến) chỉ đạo các địa phương sản xuất theo khung lịch thời vụ của tỉnh Quảng Nam.
- Cơ cấu giống vụ Hè Thu 2023:
+ Giống chủ lực: Hà Phát 3, ĐT100, HT1;
+ Giống bổ sung: Đài thơm 8, HN6, Thiên ưu 8;
+ Giống Triển vọng: Hương Châu 6, Bắc Hương 9, JO2, Thơm Hương 31, ST25, VNR10.
Ngoài ra, để có nguyên liệu cho sản phẩm OCOP (bánh tráng), đặc sản Mỳ Quảng, bánh xèo, bánh bèo...; tùy theo yêu cầu của thị trường, các địa phương có kế hoạch sản xuất cụ thể, phù hợp đối với giống 13/2 (nhưng sản xuất không quá 5% diện tích, chỉ được sản xuất tại những vùng được địa phương quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, không được sản xuất lẫn lộn trên cùng cánh đồng với giống trung ngắn ngày và tuân thủ nghiêm ngặt theo lịch thời vụ); sử dụng giống nguyên chủng để sản xuất và thường xuyên theo dõi sinh trưởng, diễn biến sâu bệnh để có giải pháp phòng trừ hiệu quả.
b) Cây ngô: chủ yếu sản xuất giống Ngô lai, tập trung gieo hạt vào tháng 5.
c) Cây mè: gieo vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.
d) Cây rau
- Các loại rau ăn lá chính: rau cải, rau dền, rau mồng tơi, rau muống, …
- Rau ăn quả chính: bầu bí, dưa leo, khổ qua, cà tím, ớt…
- Rau gia vị chính: hành, húng, quế, ngò …
II. TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI HIỆN NAY
1. Trên cây lúa
a) Trên cây lúa có một số đối tượng
- Bệnh khô vằn gây hại rải rác với tỷ lệ 2-8% (C1-C3).
- Bọ xít dài gây hại rải rác với mật độ 1,5-5con/m2.
- Bệnh đen lép hạt gây hại rải rác với tỷ lệ 1,2-5% (C1-C3).
- Ngoài ra, trên đồng ruộng có một số đối tượng sâu bệnh hại như sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu + rầu lưng trắng, bệnh đốm nâu, …gây hại rải rác với mật độ tỷ lệ thấp.
2. Trên cây trồng khác
a) Trên rau ăn lá có các đối tượng gây hại: sâu xanh, bọ nhảy, bệnh thối nhũn, bệnh đốm lá, bệnh gỉ trắng,… gây hại rải rác.
b) Trên rau ăn quả có các đối tượng gây hại: bọ bầu vàng, sâu đục quả, bọ phấn, bọ trĩ, bệnh sương mai, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư, … gây hại rải rác
III. DỰ KIẾN MỘT SỐ LOẠI SINH VẬT GÂY HẠI CHÍNH TRÊN MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH TRONG VỤ HÈ THU 2023
1. Cây lúa
Dựa trên cơ sở nhận định thời tiết, lịch thời vụ, cơ cấu giống vụ Hè Thu 2023, kết hợp với tình hình sinh vật gây hại thường phát sinh trên lúa Hè Thu trong những năm gần đây và tình hình sinh vật hại chuyển vụ, dự kiến một số đối tượng sinh vật hại chính sẽ phát sinh trong vụ Hè Thu 2023 như sau:
a) Ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng thường xuất hiện và gây hại đầu vụ vào giai đoạn lúa mới gieo sạ đến giai đoạn mạ và thường gây hại mạnh trên những chân ruộng trũng. Vì vậy cần triển khai thu nhặt ốc bươu vàng và ổ trứng kết hợp trong đợt diệt chuột đầu vụ để hạn chế ốc phá hại lúa mới gieo sạ.
b) Chuột
Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm gây hại hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tập trung phá hại mạnh trong một số giai đoạn: Khi lúa mới gieo sạ, đẻ nhánh-làm đòng. Đặc biệt trong giai đoạn đứng cái-làm đòng nếu chuột gây hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất cây lúa.
Chuột thường phát sinh gây hại rải rác trên các trà lúa, cục bộ gây hại nặng ở những nơi không được tổ chức phòng trừ tốt ngay đầu vụ, vùng ven gò đồi, ven đường, gần khu dân cư, các ruộng gieo sạ lúa thơm ở trà sớm và gieo sạ không tập trung. Vụ Đông Xuân 2022-2023, chuột gây hại nhiều diện tích trên các trà lúa nên dự báo vụ Hè Thu 2023 chuột tiếp tục gây hại mạnh. Do vậy các địa phương cần tổ chức ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp để giảm thiểu mật độ chuột ngay từ đầu vụ, nhằm hạn chế tác hại do chuột gây ra và tiếp tục duy trì các biện pháp diệt chuột xuyên suốt vụ.
c) Bọ trĩ
Khả năng bọ trĩ sẽ phát sinh gây hại trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh, thường gây hại trên lúa gieo sạ muộn và trên những ruộng nước không ổn định. Chú ý các đợt gây hại chính sau:
- Đợt 1: 05/6 - 25/6: gây hại trên lúa trà sớm và chính vụ giai đoạn mạ - đẻ nhánh.
- Đợt 2: 25/6 - 15/7: gây hại chủ yếu trên lúa trà muộn giai đoạn đẻ nhánh.
d) Sâu keo
Thường phát sinh gây hại mạnh trên cây lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, trong vụ Hè Thu 2023 dự kiến có các đợt phát sinh:
- Đợt 1: từ 10/6-05/7: gây hại trên lúa trà sớm và chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.
- Đợt 2: từ 10/7- 05/8: gây hại chủ yếu trên lúa trà muộn giai đoạn đẻ nhánh.
đ) Sâu cuốn lá nhỏ
Sâu cuốn lá nhỏ thường phát sinh gây hại mạnh trên lúa từ giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái - làm đòng. Đáng chú ý nhất là đợt sâu non gây hại lá đòng làm ảnh hưởng đến năng suất. Dự kiến có các đợt phát sinh thường xuất hiện gây hại sau:
- Đợt 1: từ 01/6 - 25/6: sâu non gây hại rải rác trên các trà lúa sớm và chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.
- Đợt 2: 01/7-30/7: sâu non gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng, chú ý trà lúa chính vụ giai đoạn làm đòng.
- Đợt 3: 01/8-25/8: gây hại rải rác trên lúa trà muộn.
e) Sâu đục thân
Sâu đục thân gây hại rải rác trên các trà lúa, thường gây hại mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ; giai đoạn lúa làm đòng - trổ gây dảnh lúa bị héo hay bông bạc. Dự kiến có các đợt phát sinh như sau:
- Đợt 1: 15/6- 10/7: sâu non gây dảnh héo trên các trà lúa sớm và chính vụ, gây dảnh héo.
- Đợt 2: 15/7-05/8: gây hại làm dảnh héo trên lúa trà chính vụ và trà muộn, gây bông bạc trên lúa trà sớm.
- Đợt 3: 15/8-30/8: gây hại chủ yếu trên các trà lúa muộn giai đoạn làm đòng - trổ gây bông bạc.
g) Rầy nâu - rầy lưng trắng
Trong sản xuất lúa vụ Hè Thu, rầy nâu - rầy lưng trắng dự báo là đối tượng phát sinh với diễn biến phức tạp, có thể gây hại nhiều đợt, kết hợp với thời tiết nắng nóng khô hạn sẽ dễ gây ra hiện tượng cháy rầy. Mặt khác rầy nâu - rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lúa - lùn sọc đen, đây là những bệnh virus nguy hiểm, do vậy cần thực hiện tốt công tác theo dõi điều tra phát hiện và chỉ đạo phòng trừ kịp thời những ổ dịch mới phát sinh không để xảy ra hiện tượng cháy rầy. Cần chú ý các đợt rầy chính sau:
- Đợt 1: 10/6-05/7: gây hại trên lúa trà sớm và trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái.
- Đợt 2: 10/7-05/8: có khả năng gây hại mạnh trên diện rộng, trên lúa trà chính vụ giai đoạn đứng cái - làm đòng, lúa trà sớm giai đoạn làm đòng - trổ; cục bộ có thể gây hại mật độ cao và gây hại nặng nặng ở những vùng thường nhiễm rầy.
- Đợt 3: 10/8-05/9: gây hại trên lúa trà chính vụ và lúa trà muộn giai đoạn trổ - chín.
h) Bọ xít dài
Bọ xít dài thường tập trung gây hại lúa giai đoạn trổ - chín sữa làm cho hạt lửng hoặc lép, đặc biệt tập trung gây hại mạnh trên các giống lúa thơm, lúa bố trí thời vụ sớm, trổ không tập trung.
i) Bệnh khô vằn
Trong vụ Hè Thu thời tiết nắng nóng và hay có mưa dông tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn phát sinh gây hại từ cuối giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trổ - chín. Bệnh gây hại hầu hết ở các giống lúa và thường phát sinh gây hại mạnh vào giai đoạn lúa đòng - trổ, đặc biệt gây hại nặng ở ruộng sạ dày và thừa đạm.
Dự kiến có các đợt phát sinh sau:
- Đợt 1: 20/6-10/7: gây hại trên lúa trà sớm và chính vụ giai đoạn cuối đẻ nhánh.
- Đợt 2: 10/7-05/8: gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng - trổ.
- Đợt 3: 05/8-30/8: gây hại trên lúa trà muộn giai đoạn trổ - chín.
k) Bệnh đạo ôn
Gây hại các giai đoạn sinh trưởng phát triển cây lúa. Đặc biệt giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng và giai đoạn trổ - chín bệnh phát sinh, phát triển mạnh gây ảnh hưởng lớn đến năng suất nếu không có biện pháp phòng trừ tốt. Những năm gần đây bệnh không chỉ xuất hiện gây hại ở vụ Đông Xuân mà còn gây hại trên lúa vụ Hè Thu. Đặc biệt, trên chân ruộng gieo sạ dày, bón thừa đạm và trên các giống dễ nhiễm, vì vậy cần chú ý theo dõi tình hình phát sinh bệnh để phòng trừ kịp thời.
l) Bệnh lem lép hạt
Bệnh xuất hiện từ giai đoạn lúa trổ bông đến chín sữa, vào giai đoạn lúa trổ - chín thời tiết nắng nóng xen kẻ có mưa tạo điều kiện cho bệnh phát sinh gây hại trên các trà lúa, hầu hết các giống lúa đều bị bệnh với mức độ khác nhau. Ngoài ra, những chân ruộng bị bệnh đốm nâu nếu không chăm sóc xử lý sẽ tạo điều kiện cho bệnh lem lép hạt phát sinh gây hại ảnh hưởng đến năng suất lúa.
m) Ngộ độc hữu cơ
Hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ thường xuất hiện ở các ruộng lúa không làm đất kỹ (chỉ lồng đất rồi gieo sạ ngay), ruộng còn nhiều tàn dư thực vật và không bón vôi nên chất hữu cơ không được phân huỷ kịp thời hoặc các ruộng bị ảnh hưởng trực tiếp do chất thải từ các chuồng trại chăn nuôi tập trung chưa qua xử lý.
n) Bệnh đốm nâu nghẹt rễ
Bệnh đốm nâu nghẹt rễ phát sinh từ giai đoạn đẻ nhánh và hại nặng cuối vụ trên các chân ruộng vùi nhiều gốc rạ, cỏ dại; ở ruộng lúa có chế độ bón lót không đầy đủ; nhất là ở những chân ruộng không bón vôi, lân; đất chua phèn.
o) Ngoài các sâu bệnh gây hại chính nêu trên, trong vụ Hè Thu trên cây lúa còn có các đối tượng khác cũng xuất hiện gây hại, cần chú ý theo dõi để có biện pháp xử lý kịp thời khi cần thiết như: ruồi đục nõn, sâu phao, rầy xanh, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen
bệnh thối thân,...
2. Trên các cây trồng khác
a) Cây ngô
Trong vụ Hè Thu trên cây ngô dự kiến có các sinh vật hại chính sau:
- Sâu xám, sâu khoang: gây hại chủ yếu trên cây ngô ở giai đoạn cây con.
- Sâu cắn lá, sâu đục thân: gây hại giai đoạn phát triển thân lá.
- Sâu keo mùa thu: gây hại ở tất cả các giai đoạn, trong đó gây hại mạnh giai đoạn cây con đến loa kèn.
- Sâu đục bắp gây hại mạnh giai đoạn hình thành bắp - chín.
- Bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, rệp thường phát sinh gây hại ngô giai đoạn trổ cờ phun râu-chín.
- Chuột gây hại hầu hết các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây ngô.
- Bệnh lùn sọc đen có khả năng phát sinh gây hại trên cây ngô ở các giai đoạn sinh trưởng.
b) Cây rau các loại
Trên cây rau vụ Hè Thu thường có các sinh vật gây hại chính sau:
- Rau ăn lá:
+ Bệnh chết cây con, lở cổ rễ: gây hại chủ yếu giai đoạn cây con.
+ Bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang, rầy, rệp gây hại mạnh thời kỳ phát triển thân lá.
+ Bệnh thối nhũn, bệnh thán thư, bệnh đốm lá, bệnh gỉ trắng: phát sinh gây hại giai đoạn phát triển thân lá.
- Rau ăn quả:
+ Sâu xám, sâu xanh, bệnh lở cổ rễ gây hại giai đoạn cây con.
+ Dòi đục lá, rầy, rệp, bọ phấn: gây hại các giai đoạn từ phát triển thân lá đến thu hoạch; gây hại mạnh trên cây rau họ đậu, họ bầu bí.
+ Bọ bầu vàng: gây hại các giai đoạn từ phát triển thân lá đến thu hoạch; gây hại chủ yếu trên cây họ bầu bí.
+ Giai đoạn ra hoa - quả chú ý có các sinh vật hại: bệnh do virus, ruồi đục quả, sâu đục quả, bệnh đốm lá, bệnh sương mai, bệnh thánh thư, bệnh chạy dây.
c) Đậu đỗ các loại
- Giai đoạn cây con cần chú ý các sinh vật hại như bệnh lở cổ rễ, bệnh chết cây con, sâu xám.
- Giai đoạn ra hoa - quả cần chú ý các sinh vật hại: sâu đục quả, rầy rệp, bệnh rỉ sắt...
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHỈ ĐẠO
Để bảo vệ sản xuất Hè Thu 2023, Chi cục Nông nghiệp Đà Nẵng đề nghị:
1. Các địa phương chỉ đạo triển khai thu hoạch dứt điểm lúa Đông Xuân, thu hoạch đến đâu tiến hành làm đất ngay đến đó để đảm bảo sản xuất đúng lịch thời vụ, hạn chế sâu bệnh gây hại cũng như rủi ro do thời tiết gây ra. Vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ nhằm cắt đứt nguồn bệnh từ vụ Đông Xuân sang Hè Thu. Bón vôi trước khi bừa lần cuối để cải tạo đất và giúp cho chất hữu cơ trên đồng ruộng nhanh phân hủy hạn chế lúa bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ, đốm nâu. Chuẩn bị tốt các khâu về giống, làm đất, phân bón lót hữu cơ... cho sản xuất vụ Hè Thu 2023.
2. Các địa phương vận động nông dân diệt chuột trước khi vào vụ sản xuất Hè Thu 2023 kết hợp thu nhặt ốc bươu vàng và vận động nông dân duy trì diệt chuột suốt cả vụ để bảo vệ kết quả sản xuất.
3. Cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương vận động nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống, triển khai nông dân sản xuất giống lúa trung ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian, thu hoạch sớm để tiết kiệm nước và lách tránh mưa lũ cuối vụ. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống kỹ thuật để đảm bảo chất lượng giống, mật độ gieo sạ vừa phải 4-5kg/sào (80-100kg/ha), bón phân theo đúng quy trình sản xuất và khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ. Có kế hoạch chuyển đổi diện tích lúa không đảm bảo nước tưới sang cây trồng khác chịu hạn hơn.
4. Cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng ngay từ đầu vụ, thường xuyên thực hiện công tác điều tra phát hiện kết hợp theo dõi côn trùng vào đèn để dự báo chính xác tình hình sinh vật hại để phối hợp với các địa phương chỉ đạo hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất.
5. Vận động và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ sinh thái bền vững, ứng dụng chương trình IPM, ICM … và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp.
6. Phòng Thanh tra Pháp chế Chi cục phối hợp các phòng chức năng và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các loại vật tư nông nghiệp thiết yếu phục vụ cho sản xuất vụ Hè Thu 2023.
Trên đây là dự báo một số đối tượng sinh vật hại chính có khả năng xuất hiện gây hại các loại cây trồng trong vụ Hè Thu năm 2023. Trong từng đợt phát sinh gây hại của từng đối tượng, Chi cục sẽ có thông báo và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng trừ kịp thời. Các địa phương cần chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại để bảo vệ an toàn cho sản xuất./.