Thông báo hướng dẫn biện pháp phòng trừ sinh vật hại trên cây lúa vụ Đông Xuân 2022-2023

Ngày đăng: 20/03/2023

Qua kiểm tra tình hình sản xuất, lúa Đông Xuân 2022-2023 hiện nay chủ yếu đang trong giai đoạn làm đòng-trổ. Trên đồng ruộng đang xuất hiện một số đối tượng gây hại rải rác như: Khô đầu lá, bệnh khô vằn, chuột, rầy nâu + rầy lưng trắng (RN + RLT), ngộ độc phèn, bệnh đốm nâu…

Với điều kiện thời tiết như hiện nay: ngày nắng, rải rác có mưa, đêm và sáng sớm có sương mù; kết hợp với giai đoạn mẫn cảm của cây lúa sẽ tạo điều kiện cho sinh vật hại phát sinh phát triển gây hại trong thời gian đến như: Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, khô đầu lá, chuột, RN +RLT, bệnh đen lép hạt …

Với tình hình diễn biến gây hại của sinh vật hại như trên và khả năng gây hại trong thời gian đến, Chi cục Nông nghiệp hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ cụ thể như sau:

1. Khô đầu lá

Hiện nay, trên đồng ruộng xuất hiện nhiều diện tích lúa Đông Xuân đang bị khô đầu lá, vàng lá sinh lý. Nguyên nhân: Do cây lúa đang chuyển giai đoạn sang làm đòng nên bị vàng lá sinh lý, kết hợp gặp thời tiết lạnh, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm bị chênh lệch nhiều (đêm và sáng sớm trời lạnh, ngày nắng) nên cây lúa bị khô đầu lá (nhất là những chân ruộng bón phân không cân đối, thừa đạm hoặc thiếu ăn thì bị khô đầu lá nhiều).

Đối với lúa giai đoạn hiện nay thì những ruộng bị khô đầu lá nên giữ nước trong ruộng để giữ ấm cho lúa để hạn chế bị khô đầu lá.

Với những diện tích lúa bị khô đầu lá, vàng lá sinh lý, ngộ độc phèn và bệnh đốm nâu như nêu trên, nông dân dễ nhầm với bệnh đạo ôn. Vì vậy Chi cục Nông nghiệp thành phố Đà Nẵng đề nghị cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân để phân biệt các bệnh để có biện pháp xử lý hiệu quả và không phun thuốc trừ bệnh tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

2. Bệnh khô vằn

Hiện nay, bệnh khô vằn phát sinh gây hại với tỷ lệ trung bình 2-5% (C1-C3); cục bộ có một số chòm bệnh lên tới lá đòng. Hiện nay bệnh chưa gây hại nặng, tuy nhiên với tình hình thời tiết nắng mưa xen kẻ như hiện nay, kết hợp với lúa đã giao tán sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh gây hại mạnh trên các trà lúa, nhất là đối với những ruộng gieo sạ dày, thừa đạm. Khi phát hiện ruộng chớm bệnh cần xử lý một trong các loại thuốc sau: Validacin 5SL; Vanicide 5 SL, 5 WP; Validan 3SL, 5SP; Anvil 5SC, Tilt super 300EC… Nếu ruộng bị bệnh nặng phải xử lý thuốc 2 lần, cách nhau 5-7 ngày.

3. Rầy nâu + Rầy lưng trắng

Rầy nâu+rầy lưng trắng hiện nay đang xuất hiện rải rác với mật độ 15-30 con/m2(TT). Tình hình RN+RLT hiện nay tuy chưa gây hại mạnh nhưng với đặc tính thích sống quần tụ, thường sống gần gốc lúa, khả năng đẻ trứng cao, bên cạnh đó đồng ruộng một số nơi khô nước kết hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng, có mưa rào rải rác kết hợp với giai đoạn sinh trưởng cây lúa đã giao tán như hiện nay sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho mật độ rầy tích lũy trong thời gian đến. Vì vậy, cần kiểm tra đồng thường xuyên, vạch kỹ vào gốc lúa để kiểm tra. Để bảo vệ lúa Đông Xuân , hạn chế sự bùng phát của RN+RLT, Chi cục Nông nghiệp đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp sau:

a) Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để theo dõi sự phát sinh phát triển của RN+RLT và hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả. Nhắc nhở nông dân không nên phun thuốc hóa học tràn lan để phòng ngừa RN+RLT khi đồng ruộng chưa có rầy hoặc mật số rầy còn quá thấp (<750 con/m2) để tránh sự bộc phát rầy ở lứa sau.

b) Ruộng phải giữ nước 5-7cm (ruộng chủ động nước) để hạn chế rầy chích hút thân lúa, không bón thừa đạm. Dọn sạch cỏ trong ruộng lúa, bờ ruộng, mương dẫn nước.

c) Khi phát hiện rầy trên ruộng lúa với mật độ >750 con/m2 khẩn trương khoanh vùng và xử lý bằng thuốc bvtv theo “4 đúng”:  đúng thuốc, đúng liều lượng-nồng độ, đúng lúc, đúng cách; có thể dùng 1 trong các loại thuốc sau:

Do lúa hiện nay chủ yếu ở giai đoạn đòng-trổ (cuối vụ) nên cần sử dụng thuốc có cơ chế tác dụng tiếp xúc như: Brimgold 200WP, Nitensuper 500WP, Acnipyram 50WP, Supercheck 720WP ….

Chú ý:  Hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bu bám. Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, phun dễ trúng rầy hơn. Khi lúa ở giai đoạn từ đòng đến trổ đã giáp tán, trước khi phun thuốc phải rẽ thành lối cách khoảng 1,2-1,5m để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy. Khi phun thuốc trừ rầy, ruộng phải có nước thì mới có hiệu quả.

4. Bệnh đạo ôn cổ bông

Các địa phương theo dõi sự phát sinh gây hại của bệnh đạo ôn trên các trà lúa, đặc biệt trên các giống lúa dễ nhiễm bệnh như; 13/2, Thiên ưu 8…Triệu chứng bệnh đạo ôn cổ bông: Trên cổ bông, gié lúa vết bệnh ban đầu là đốm nhỏ, sau lan ra theo chiều dài làm cả đoạn cổ bông có màu nâu xám, khô tóp. Nếu nhiễm bệnh sớm làm cho toàn bộ bông lúa bị lép trắng; nhiễm bệnh muộn (vào thời kỳ vào chắc-chín) gây ra hiện tượng bông lúa nhỏ, có nhiều hạt lép lửng, dễ gảy, gié lúa dễ rụng dẫn đến làm giảm năng suất lúa.

Nếu phát hiện diện tích lúa bị bệnh, cần khoanh vùng và xử lý ngay bằng thuốc hoá học để phòng ngừa bệnh phát triển và lây lan, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Fuji-one 40 EC, 40WP, One-over 40EC, Fuan 40EC, …

Lưu ý: Nếu ruộng bị bệnh nặng thì phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 5-7 ngày.

5. Bệnh đen lép hạt

Hiện nay trên những chân ruộng đất xấu, ruộng chăm sóc kém, thiếu dinh dưỡng, những chân ruộng bị đốm nâu có khả năng bị đen lép hạt ảnh hưởng đến năng suất lúa, hoặc trong giai đoạn lúa trổ nếu gặp thời tiết mưa cũng gây ảnh hưởng, tạo điều kiện cho bệnh đen lép hạt phát sinh gây hại.

Để phòng trừ bệnh đốm nâu và đen lép hạt lúa cần xử lý một trong các loại thuốc sau: Anvil 5SC, Tilt super 300EC, Newtec 300SC…(Các loại thuốc này vừa có thể phòng trừ được cả bệnh khô vằn).

Lưu ý: Nên xử lý thuốc 2 lần, trước và sau khi trổ.

6. Chuột

Chuột gây hại mạnh trên các trà lúa giai đoạn làm đòng ở hầu hết các địa phương với tỷ lệ trung bình 1-2%, cao 10%. Cục bộ gây hại với diện tích nhiễm 112ha (86,5ha nhiễm nhẹ với tỷ lệ 2,5-5%; 19,3ha nhiễm trung bình với tỷ lệ >5-10%; 6,2ha nhiễm nặng với tỷ lệ >10%). Vì vậy, các địa phương tiếp tục vận động nông dân tích cực diệt chuột bằng các biện pháp: Bẫy kẹp, bẫy bán nguyệt. Tuyệt đối không dùng điện để diệt chuột với bất kỳ hình thức nào.

Ngoài ra, trên đồng ruộng hiện nay còn có một số đối tượng gây hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, sâu đục thân, bọ xít dài…

Chú ý:

 Khi phun thuốc phải đảm bảo lượng nước và liều lượng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì.

 Đối với diện tích lúa đang trổ phải phun thuốc vào chiều mát.

 Các địa phương phải đặc biệt quan tâm và thông báo đến bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng để phát hiện kịp thời và xử lý.

 Những ruộng chưa bị sâu bệnh gây hại chỉ nên theo dõi không nên phun thuốc tràn lan gây tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường.

Đề nghị các địa phương thông báo Công văn này đến tận thôn, tổ, xóm và người sản xuất./.

Tin cùng chuyên mục

Lượt truy cập: 894,562 Hôm qua: 1,331 - Hôm nay: 445 Tuần này: 10,919 - Tuần trước: 445 Tháng này: 74,596 - Tháng trước: 84,982 Online: 117
Chung nhan Tin Nhiem Mang